LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

2 vùng sinh thái phát triển dược liệu ở Di Linh

Danh mục: Phổ biến kiến thức Ngày đăng: 22 tháng 9 năm 2023

Với khoảng 84.000 ha diện tích rừng và 67.000 ha đất canh tác nông nghiệp phân bố theo các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, huyện Di Linh xác định đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu giá trị cao, trở thành một trong những cây trồng thế mạnh trên địa bàn. 

              Huyện Di Linh khuyến khích phát triển sản xuất dược liệu đông trùng hạ thảo đặc trưng ở địa phương

 

 KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRỒNG DƯỢC LIỆU DƯỚI TÁN RỪNG

Theo mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện Di Linh phát triển 52 ha dược liệu dưới tán rừng lá rộng, trong đó có khoảng 10 ha cây đinh lăng. Đây là loài cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn, rất thích hợp trồng dưới tán rừng hỗn giao lá rộng, lá kim và lồ ô. Tiếp theo phát triển 5 ha trà hoa vàng tập trung dưới tán rừng lá rộng thường xanh phù hợp với đặc tính không ưa ánh nắng trực xạ; 2 ha hà thủ ô đỏ dưới tán rừng tại các nơi có khí hậu từ 22 - 270C, lượng mưa từ 1.500 - 1.800 mm, trên đất tơi xốp nhiều mùn; 35 ha các loại cây dược liệu khác như xáo tam phân, nghệ đen, gừng, chè dây…

Bên cạnh đó, dưới tán rừng lá kim, huyện Di Linh phát triển các loài cây dược liệu quy mô khoảng 15 ha, bao gồm 5 ha cây đảng sâm trồng tại các vùng rừng thứ sinh, bìa rừng, ven suối, nhiệt độ từ 18 - 25oC. Ngoài ra, huyện Di Linh tập trung nghiên cứu phát triển các loài dược liệu khác tại các diện tích đất trống nhỏ lẻ trong rừng, ven rừng như: nghệ đen, gừng, thiên niên kiện, xáo tam phân, hoàng đằng; sâm cau, húc khắc… với tổng diện tích khoảng 10 ha.

“Căn cứ điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm tài nguyên rừng của từng vị trí, huyện Di Linh áp dụng cơ chế khuyến khích trên diện tích đất rừng đang cho thuê, doanh nghiệp được phép điều chỉnh, bổ sung đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng. Và trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao khoán quản lý bảo vệ, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư bổ sung phương án và được phép trồng dược liệu dưới tán rừng", theo giải pháp chính sách của huyện Di Linh. 

Gắn sản xuất với khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm nằm trong vùng rừng đặc dụng, nhằm đánh giá các nguồn dược liệu theo các chỉ tiêu sinh học, sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu tại vùng rừng phòng hộ Hòa Bắc, Hòa Nam gồm: Các loài trà hoa vàng (camellia spp.); sâm cau (curculigo orchioides); chè dây (ampelopsis cantoniensis); sâm bố chính (abelmoschus moschatus), xáo tam phân (paramignya trimera) với quy mô khoảng 100 ha rừng.

• CHUYỂN ĐỔI 150 HA ĐẤT KÉM HIỆU QUẢ SANG TRỒNG DƯỢC LIỆU

Đáng kể, huyện Di Linh tiếp tục rà soát, chuyển đổi 150 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả (có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm) và diện tích cây nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế thấp hơn sang trồng các loại cây dược liệu phù hợp trên địa bàn. Cụ thể sử dụng giống đương quy trong nước để thay thế dần việc phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu để trồng thuần 1 ha và trồng xen 4 ha trong vườn cây ăn quả, cà phê; đảng sâm trồng thuần 2 ha, trồng xen 5 ha, tiếp tục sử dụng nguồn giống nhập khẩu và từng bước nghiên cứu, sản xuất giống theo nhu cầu thị trường. Cây sả có khả năng phát triển tốt ở những vùng đất nghèo chất dinh dưỡng, vốn đầu tư thấp cũng như kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nên khuyến khích người dân trồng xen trên những diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả... khoảng 72 ha. Cây diệp hạ châu khuyến khích trồng xen trong vườn cây cà phê, cây ăn quả chưa khép tán khoảng 7 ha. 

Ngoài các loại dược liệu chủ lực vừa nêu, huyện Di Linh đa dạng hóa chủng loại dược liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp như đinh lăng, nghệ đen, trà hoa vàng, nhân trần, bạc hà, sả, gừng,… với quy mô diện tích khoảng 58,5 ha. Đặc biệt khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp quy trình công nghệ, diện tích nhà xưởng trên 0,5 ha đa dạng hóa các loại sản phẩm đông trùng hạ thảo tiêu thụ trong nước, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu... 

Để đạt các mục tiêu trên, giải pháp trọng tâm của huyện Di Linh nhân rộng các mô hình điểm trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, di thực các giống dược liệu mới, phổ biến quy trình canh tác chứng nhận chất lượng an toàn, công bố thành phần dược chất để làm cơ sở thực hiện các hoạt động hợp tác, liên kết cung ứng nguồn nguyên liệu với các nhà máy chế biến dược liệu lớn trên cả nước. 

Qua đó lựa chọn các loại dược liệu chủ lực như: đẳng sâm, hạt dổi, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, nghệ đen, sả… đưa vào công nghệ sấy nhiệt, sấy lạnh, sấy thăng hoa, chế biến đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng.

Huyện Di Linh cũng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến tinh dược liệu, đồng thời, kết nối với các vùng trồng dược liệu để hình thành chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm, xây dựng thương hiệu dược liệu đặc trưng của địa phương.

VĂN VIỆT

(Nguồn: https://baolamdong.vn/)

 

Tin liên quan