LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN TRONG VIỆC TẬP HỢP, PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH LÂM ĐỒNG

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 22 tháng 7 năm 2022

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN TRONG VIỆC TẬP HỢP, PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH LÂM ĐỒNG

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng

 

Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội. Đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN), đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển...

Ngay từ năm 1442, khi danh sĩ Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nêu bật tầm quan trọng của nhân tài với câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Điều đó có nghĩa, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Đây là những ý niệm rất rõ ràng về hiền tài, về giới trí thức. Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, trí thức Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong tất cả lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020 xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”. Tại Đại hội XII, Đảng ta cũng đưa ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2016 - 2020 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước...”.

Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới; đồng thời, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đối với tỉnh Lâm Đồng, đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học – công nghệ (KH-CN) được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, có khả năng tiếp thu và làm chủ tri thức ở một số ngành, lĩnh vực hiện đại như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ công tác liên quan trong lĩnh vực KHCN đang công tác tại các Sở, ngành, Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu và tại các địa phương trong tỉnh.

Đội ngũ trí thức và hoạt động KH-CN luôn gắn bó mật thiết, đồng hành với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; những kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KH-CN đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò của KH-CN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân,  làm thay đổi suy nghĩ, thói quen trong sản xuất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 8,0%; quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm 2021.

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, mang tính ứng dụng cao, được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh đã triển khai 110 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh, gần 200 nhiệm vụ cấp cơ sở với mục tiêu ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; có khoảng 1.000 bài báo khoa học được công bố tại các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Đặc biệt, hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm và gây hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, hơn ai hết đội ngũ trí thức đã kịp thời vào cuộc, như nghiên cứu ứng dụng phần mềm khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa... Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực cho xã hội trong phòng, chống dịch.

Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường sự hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học; sự hợp tác hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo như: Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin… Đội ngũ trí thức tích cực, chủ động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đánh giá nghiên cứu các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã phát huy tinh thần sáng tạo, tâm huyết, bám sát thực tiễn để sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật, tư tưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của Nhân dân. Những đóng góp ấy đã làm thay đổi bộ mặt của Lâm Đồng trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những thế mạnh về kinh tế của tỉnh.

Nhờ sự đóng góp từ các đề tài nghiên cứu, các sáng kiến, giải pháp của đội ngũ trí thức mà hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao tăng lên rõ rệt. Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 34% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất nông nghiệp công nghệ cao tăng 25 - 30%, lợi nhuận đạt trên 30%. Riêng các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất tăng 40 lần, chi phí giảm 35%. Doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha. Nông sản xuất khẩu đạt 400 triệu USD/năm, chiếm 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Tuy nhiên, những kết quả, thành tựu mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Mặc dù Lâm Đồng có tiềm năng lớn về đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhưng phân bố không đều về số lượng và trình độ chuyên môn giữa các ngành, địa phương và các đơn vị trong tỉnh; còn thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung chủ yếu ở các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học đóng trên địa bàn tỉnh.

Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, số lượng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật hàng năm, các tác phẩm văn học - nghệ thuật có chất lượng cao còn ít. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được coi là một trong những nhiệm vụ chủ yếu có tính đặc trưng của đội ngũ trí thức vẫn chưa được phát huy đúng mức, mặc dù nhu cầu và yêu cầu rất lớn.

Hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của tỉnh.

Một số cấp uỷ Đảng và chính quyền do phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề trọng tâm, bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội nên chưa quan tâm đúng mức về hoạt động KH-CN, nhất là trong công tác phối hợp triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả, tiến bộ KH-CN của các đề tài, dự án sau khi kết thúc. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức có lúc, có nơi chưa thật tương xứng; môi trường làm việc của trí thức còn bất cập, chưa phát huy được năng lực sáng tạo trong các hoạt động.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức nói chung, trong đó có các nhà trí thức KHCN đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, phục vụ sự nghiệp đổi mới, trước hết là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ về “Phát trển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị” với chủ đề “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương; dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”. Đồng thời, xác định hoạt động thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội, là nơi tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức trong tỉnh tham gia trong việc truyền bá kiến thức cho nhân dân. Bám sát vào các sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, hoạt động thông tin tuyên truyền của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên được tổ chức thường xuyên, liên tục nhằm tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các mô hình, sáng kiến, các kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống. Vì vậy, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cần chú trọng một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xây dựng đồng bộ các chính sách trong việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức trong toàn tỉnh. Quan tâm bổ nhiệm trí thức có tư duy đổi mới, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2025 - 2030 đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các thiết chế khoa học - công nghệ, văn hoá, giáo dục, y tế, văn học - nghệ thuật…, tạo lập môi trường hoạt động hấp dẫn, thiết thực để liên kết, phát huy tối đa và toàn diện khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức; kích thích sự tham gia của lực lượng trẻ, đội ngũ kế cận. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, quy mô, phát huy tác dụng và sự ảnh hưởng của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Trung tâm văn hoá trên địa bàn vốn là lợi thế của tỉnh; đồng thời xây dựng mới một số cơ sở khoa học - công nghệ, giáo dục & đào tạo, y tế, văn hoá có chất lượng cao để thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc tại địa phương.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư là, đối với đội ngũ trí thức phải ý thức sâu sắc được vai trò, vị trí của mình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu, kỹ thuật mới, phát huy ý thức tự lực, tìm tòi để có nhiều sáng kiến mới có giá trị áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống; đổi mới tư duy, đổi mới hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng tác văn học - nghệ thuật phải gắn với việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và yêu cầu sản xuất, đời sống của Nhân dân. Chú trọng nghiên cứu các lĩnh vực mới, có khả năng tạo sự đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước… đoàn kết, hăng hái thi đua yêu nước góp phần xây dựng đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững; tích cực tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện những chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Năm là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động cũng như phương thức tập hợp đội ngũ trí thức; Liên hiệp Hội không chỉ là mái nhà chung mà còn là mái ấm của đội ngũ trí thức, là cầu nối giữa đội ngũ trí thức với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, với các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ; từ đó, phát huy được nội lực của đội ngũ trí thức, làm cho đội ngũ trí thức trở thành nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân… Đồng thời, bám sát các mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để định hướng hoạt động phát triển khoa học, công nghệ; đồng thời tích cực tiếp thu, cập nhật những kiến thức mới của khoa học, công nghệ trên thế giới để ứng dụng vào địa phương, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế Lâm Đồng./.

Tin liên quan