GIẢI PHÁP
HỆ THỐNG CẢNH BÁO BẢO VỆ RỪNG
Tác giả: Nguyễn Lê Quang Trực, Nguyễn Đức Bảo Lâm.
Học sinh: Lớp 9A1, Trường THCS&THPT Đống Đa, Đà Lạt
Lớp 9A2, Trường THCS&THPT Đống Đa, Đà Lạt.
Lĩnh vực dự thi: Phần mềm tin học.
Đạt giải: Giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 17 năm 2021.
Tóm tắt giải pháp
Tình trạng rừng ở Việt Nam bị phá hoại bằng nhiều hình thức như chặt hạ, đốt rừng... nhằm lấy gỗ, chiếm đất canh tác, mua đi bán lại kiếm lời bất chính, khai thác lâm sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, môi trường, mỹ quan của đất nước. Giải pháp “Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng” giúp giám sát các tình trạng rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Hệ thống giúp kiểm lâm có thể đo nhiệt độ độ ẩm, gửi dữ liệu lên tài khoản facebook của người quản lý và tạo biểu đồ kèm theo đánh giá trên web để dễ dàng giám sát; sau đó hệ thống sẽ cảnh báo và gửi tin nhắn lên facebook người dùng, thông báo lên website giám sát khi có nguy hiểm (xuất hiện người xâm nhập trái phép, phát hiện cháy rừng, nhận dạng tiếng máy cưa, tiếng động lạ trong rừng, nhận dạng khói do cháy rừng gây ra) trong khu vực giám sát. Ngoài ra, hệ thống còn chụp ảnh khi có nguy hiểm và gửi lên facebook, gmail, lưu lại ảnh trên website để xem lại sau này khi cần, giúp ích trong công tác truy tìm lâm tặc. Các thiết bị của hệ thống được đánh dấu vị trí trên bản đồ giúp người dùng xác định được vị trí xảy ra bất thường sớm nhất, được hướng dẫn đường đi đến vị trí có nguy hiểm để có những biện pháp khắc phục sớm.
Tính mới, tính sáng tạo
Hệ thống nhỏ gọn phù hợp khi đặt hệ thống trong rừng, dễ dàng sử dụng, hệ thống chạy tự động khi có nguồn điện, không tốn nhân công vận hành hệ thống; giúp người dùng có thể giám sát bằng nhiều hình thức như nhắn tin qua facebook những câu hỏi mặc định hoặc truy cập trực tiếp vào website của hệ thống. Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng ảnh và âm thanh để dự đoán có người vào rừng, cháy rừng hay tiếng máy cưa, và tiếng động lạ; sử dụng mạng LORA (Long Range) trong việc truyền nhận dữ liệu giữa các trạm; mạch được cấu hình với địa chỉ riêng, tần số hoạt động riêng được quy định sẵn, truyền gửi dữ liệu nhanh, chính xác, khoảng cách xa (tối đa đến 3km), tăng tính ổn định của hệ thống, tránh nhận các dữ liệu nhiễu, xâm nhập và ngăn chặn trái phép. Trong trường hợp các vị trí cần đặt thiết bị xa, mạng LORA giúp truyền nhận trung gian nhằm tăng khoảng cách truyền nhận dữ liệu. Ngoài ra, hệ thống an toàn và bảo mật tốt hơn so với các thiết bị khác dựa trên tính năng kiểm tra bảo mật đăng nhập website giám sát và facebook (các khóa bảo mật này chỉ có người trong nội bộ mới được biết). Hệ thống còn có chức năng tự kiểm tra thiết bị: nếu trong một khoảng thời gian bất kỳ, thiết bị trong rừng không có phản hồi, hệ thống tự hiểu thiết bị đã xảy ra vấn đề và cảnh báo người dùng, và khi không kết nối được web tại trụ sở, màn hình tại trụ sở sẽ hiện thông báo.
Hiệu quả
Hiệu quả kinh tế: “Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng” có thể giúp cho việc ngay cả khi ngồi trong văn phòng vẫn có thể quan sát, theo dõi và phát hiện các nguy hiểm như xuất hiện người xâm nhập trái phép, phát hiện cháy rừng, nhận dạng tiếng máy cưa, tiếng động lạ trong rừng, nhận dạng khói do cháy rừng gây ra mà không cần nhiều nhân viên kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng. Trong trường hợp phát hiện các tình huống nguy hiểm đến rừng thì hệ thống giúp truy vết lâm tặc rất nhanh chóng, hiệu quả.
Hiệu quả xã hội: hệ thống giúp mọi người có ý thức hơn nữa trong công tác bảo vệ rừng, không thực hiện các hành vi phá hoại rừng vì luôn có “mắt thần” của hệ thống quan sát.
Khả năng áp dụng
“Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng” đã được triển khai thực nghiệm tại rừng Quốc gia Bidoup Núi Bà 1 năm (Từ 4/2020 đến 5/2021), và các chuyên gia đã thẩm định ngày 31/8/2020, đánh giá cao tính khả thi của sản phẩm.
Online: 2
Ngày: 347Tháng: 5918
Tổng: 533110