LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

Một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 26 tháng 5 năm 2023

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THU HÚT ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG

 

                                                       ThS. Tạ Thị Thùy Mai

Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lâm Đồng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, phía Nam Tây Nguyên. Đây là một trong năm tỉnh thuộc vùng miền núi Nam Tây Nguyên, tọa lạc tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 07 hệ thống sông suối lớn, cách TP.HCM 300 km về hướng Đông Bắc, cách TP.Đà Nẵng 658 km về phía nam, cách TP.Hà Nội 1.414 km tính theo đường Quốc Lộ 1A.

Phía bắc của tỉnh Lâm Đồng giáp tỉnh Đắk Lắk ở phía Bắc; đông bắc giáp với tỉnh Khánh Hòa, phía đông giáp với tỉnh Ninh Thuận, phía tây giáp tỉnh Đắk Nông, phía tây nam giáp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bình Thuận.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có thể chia thành 03 vùng với 05 thế mạnh: phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc. Ngành công nghiệp của tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng; đã thu hút được một số dự án đầu tư quy mô tầm cỡ khu vực và quốc gia. Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu ổn định, chủ yếu tăng theo chiều rộng, sử dụng nhiều tài nguyên, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn thiết bị, công nghệ sản xuất ở mức trung bình, năng suất lao động chưa cao, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu. Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển chậm. Số lượng dự án quy mô lớn có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít; đa số quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị hiếu và khó tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Còn thiếu nhiều vốn đàu tư.

Trong bài tham luận này, tác giả xin trình bày ý kiến của mình về đề tài đang khá nóng hiện nay qua giải pháp về “Một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lâm Đồng” với hy vọng có thể đưa ra vài kiến nghị có ích cho Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lâm Đồng nói riêng và tỉnh nói chung.

II. THỰC TRẠNG

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện quy hoạch vùng toàn tỉnh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1848/QĐ/Ttg của Thủ tướng Chính phủ; với mục tiêu phát triển: xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Trong những năm qua ở tỉnh Lâm Đồng, ngành công nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, dự ước vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 tại Lâm Đồng đạt hơn 27.868 tỷ đồng, tăng hơn 7,9% so với cùng kỳ; trong đó: nguồn vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng vốn, tăng 14% so với cùng kỳ; nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt hơn 20.900 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ và chiếm 69% trong tổng vốn; nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 147 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, chiếm 0,42% trong tổng vốn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 02 khu công nghiệp tập trung là Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội. Hai khu công nghiệp này hoạt động khá hiệu quả, thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động  địa phương, đóng góp tốt vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Khu công nghiệp Lộc Sơn nằm ở trung tâm của vùng cây công nghiệp, chè, cà phê, dâu tằm, cây lương thực và công nghiệp khai khoáng bauxit, kaolin, đá granit, thu hút các dự án đầu tư thuộc các nhóm ngành nghề: Công nghiệp chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm, dệt may, cơ khí chính xác, điện tử, hoá chất…

Khu công nghiệp Phú Hội đặt tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, là địa bàn thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông và khoảng cách cung ứng từ các vùng nguyên liệu. Khu công nghiệp Phú Hội thu hút các dự án đầu tư thuộc các nhóm ngành nghề: sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm rau quả, thủy sản, rượu, bánh mứt, kẹo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gạch cao cấp, chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm gỗ, công nghiệp luyện kim, hóa chất, thuộc da, cao su, sản xuất bao bì carton, diatomit, thiếc, nhóm ngành công nghiệp khác…

Đa số cơ cấu các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp trong tỉnh có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo như sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, đồ uống, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp điện, đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp chế chế sau thu hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu ổn định, chủ yếu tăng theo chiều rộng, sử dụng nhiều tài nguyên, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn thiết bị, công nghệ sản xuất ở mức trung bình, năng suất lao động chưa cao, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu. Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển chậm. Số lượng dự án quy mô lớn có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít; số lượng làng nghề hàng năm tăng lên nhưng đa số quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị hiếu và khó tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp vẫn diễn ra.

Một trở ngại lớn mà các ngành gặp phải, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao và lành nghề tại địa phương còn thiếu, năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp. Nhiều lao động bị cản trở bởi ngoại ngữ khi làm việc.

Khi chính sách của UBND tỉnh là sớm thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì cách thức thực hiện nhanh nhất chính là phải tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức quản lý và đội ngũ lao động lành nghề; tất cả đều phải có tâm, có tầm.

Theo đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, đất, tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa con người luôn cần được quan tâm và xác định là một trong những công tác trọng tâm, có tính quyết định đến công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

III. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp quảng bá các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư

Các báo chí, thông tin tuyên truyền về các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư cần thiết thể hiện rõ định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết tỉnh như:

- Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trở thành động lực đối với kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo và lắp ráp; công nghiệp số; năng lượng tái tạo.

- Phát triển các ngành có tiềm năng lợi thế của tỉnh để dẫn dắt các ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ: Chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dược liệu.

- Hạn chế việc khai thác khoáng sản, chỉ xem xét chọn lọc các dự án đầu tư mới khai thác gắn với chế biến quy mô công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại với các sản phẩm chế biến sâu.

- Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

2. Tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có 41.130 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm 3% tổng dân số, tỷ lệ này ở TP.HCM là 5%); riêng thạc sĩ và tiến sĩ có 1.061 người. Đây là một con số thuyết phục trong xây dựng đội ngũ trí thức của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mới hiện nay.

Để cho sự đóng góp của đội ngũ trí thức được đúng tầm với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030 theo định hướng phát triển đã được hoạch định, cần phải có những giải pháp mang tính thực tiễn trong xây dựng đội ngũ trí thức địa phương. Cụ thể là:

- Định kỳ, các cấp ủy, chính quyền cần tổ chức tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.

- Cần thiết phải tạo được môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích tự do, công bằng trong sáng tạo.

- UBND và các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức tỉnh nhà, nhất là các chuyên gia giỏi, đầu ngành.

- Tạo môi trường làm việc thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.

3. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư

- Tập trung đề xuất và xin nhiều nguồn vốn từ Trung ương và thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng để nhanh chóng xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên toàn tỉnh và các khu kinh tế quy hoạch.

- Cân đối nguồn lực để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng 02 khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội và các khu quy hoạch trọng điểm; ưu tiên xã hội hóa khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp để đảm bảo đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

- Chủ động tiếp cận FDI, BOT, nguồn vốn viện trợ nước ngoài… quy mô lớn để thu hút các nhà đầu tư, tăng cường tính liên kết vùng trong thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng thế mạnh từng địa phương trong khu vực.

- Tuyên truyền, quảng bá, marketing lãnh thổ trong thu hút đầu tư, để giới thiệu hình ảnh tỉnh Lâm Đồng đến các quốc gia trong khu vực và thế giới có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại các trung tâm kinh tế lớn; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Lắng nghe tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật và có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp.

IV. KẾT LUẬN

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, để có thể phát triển tỉnh Lâm Đồng nhanh và bền vững; trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên theo Quyết định 1848/QĐ/Ttg của Thủ tướng Chính phủ thì việc thu hút nguồn lực đầu tư hợp lý rất quan trọng.

Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI tỉnh Lâm Đồng, thực tế kinh tế - xã hội với các lĩnh vực lợi thế của tỉnh, kết hợp thêm các chính sách thu hút, tranh thủ nguồn lực trong và ngoài nước theo xu hướng “tiền hô hậu ủng”, đồng thuận toàn quân, toàn dân dưới đường lối lãnh chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì sẽ sớm mang lại hiệu quả cao.

Trong nội dung của một bài tham luận, việc trình bày và nêu các giải pháp còn nhiều hạn chế, mong rằng các ý kiến trên sẽ góp phần hữu ích để Liên hiệp Hội có thể lựa chọn được vài giải pháp phù hợp và hữu ích./.

Tài liệu tham khảo

  1. Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
  2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
  3. Tài liệu internet.

 

Tin liên quan