LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
TỈNH LÂM ĐỒNG
Số 2A Trần Hưng Đạo - Phường 3 - Thành phố Đà Lạt - Điện thoai: 0263.3533247 - Email: lienhiephoilamdong@gmail.com

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển công nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng

Danh mục: Tư vấn phản biện Ngày đăng: 21 tháng 4 năm 2023

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP Ở TỈNH LÂM ĐỒNG

 

                                                    ThS. Liễu Văn Bảo

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng

 

Tóm tắt: Thời gian qua, nền công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cùng với những thành tựu đã đạt được, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Muốn vậy, cần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, là cơ sở để phát triển công nghiệp, tạo động lực phát triển nền kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.

Từ khoá: Công nghiệp; Lâm Đồng.

1. Đặt vấn đề

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 800-1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-250C với diện tích 9.773,54 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước.

Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.

Ngành công nghiệp được coi là ngành kinh tế trọng yếu, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thời gian qua, nền công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển đáng kể, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế. Đi cùng với những thành tựu đã đạt được, việc phát triển công nghiệp, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Thúc đẩy phát triển công nghiệp sao cho phù hợp với xu thế toàn cầu trong những năm tới là nhiệm vụ không chỉ của ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng mà còn là thách thức cần phải vượt qua của toàn tỉnh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề, tác giả đã lựa chọn: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng”, để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tạo động lực phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng có nền công nghiệp phát triển hiện đại.

2. Vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Một là, vấn đề lý luận phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Thứ nhất: nhận thức về phát triển công nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng

Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các Nghị quyết về phát triển công nghiệp ở tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và được các Doanh nghiệp đồng tình, hưởng ứng, thực hiện. Cụ thể các Nghị quyết sau:

+ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/12/2006 của Tỉnh ủy (Khóa VIII) về tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.

+ Nghị quyết số 03–NQ/TU ngày 10/5/2011 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

+ Chương trình số 70–CTr/TU ngày 8/10/2018 về thực hiện Nghị quyết số 23–NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

+ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 03/11/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Qua học tập, nghiên cứu Nghị quyết, đa số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn mà Nghị quyết đã đề ra.

Thứ hai: về phát triển các ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng xác định phát triển những ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có, có khả năng cạnh tranh và hàng hóa có thể xuất khẩu. Đặc biệt, Lâm Đồng xác định phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với phát triển nông thôn, thúc đẩy các ngành thương mại và dịch vụ liên quan, từ đó chuyển dịch cơ cấu lao động. Trong đó nhấn mạnh 03 ngành sản xuất chính: Công nghiệp chế biến (Công nghiệp chế biến nông, lâm sản); Công nghiệp khai khoáng và khai thác vật liệu xây dựng; Công nghiệp sản xuất, phân phối điện - nước.

Thứ ba: về công tác quy hoạch

Kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phục vụ kịp thời cho công nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển, cụ thể: đã xây dựng và phê duyệt 07/07 Đề án, gồm: Quy hoạch điện lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch điện lực các huyện, thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 - 2016; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; Quy hoạch chế biến gỗ đến năm 2020; Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được phê duyệt, lồng ghép với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 - 2020, định hướng đến 2030.

Thứ tư: về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Về mục tiêu: phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế; đến năm 2030 cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế;  tầm nhìn đến 2045, Lâm Đồng có nền công nghiệp phát triển hiện đại.

Việc xác định mục tiêu tổng quát về phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các điều kiện tự nhiên, nguồn lực, đáp ứng nguyện vọng Nhân dân và các Doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết số 03–NQ/TU ngày 10/5/2011 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm, 05 giải pháp; Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định giải pháp phát triển công nghiệp như: phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư.

Hai là: vấn đề thực tiễn về phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Thời gian qua, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tăng lên trong cơ cấu kinh tế, cụ thể: giai đoạn 2016 - 2020, ước giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 10,2%/năm. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 3,4%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,0%/năm; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,2%/năm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,0%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2020 bằng 1,62 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 10,2%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,4%, chiếm 3,23% toàn ngành công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,0%, chiếm 64,43% toàn ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,2%, chiếm 30,49% toàn ngành công nghiệp; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,0%, chiếm 1,86% toàn ngành công nghiệp.

- Phát triển năng lượng theo quy hoạch:

+ Thủy điện: đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.084,3MW; đang thi công xây dựng: 08 dự án với tổng công suất 122,6MW; 10 dự án đang lập thủ tục đầu tư với công suất 93,4MW.

+ Điện gió: Trên địa bàn tỉnh có 04 dự án đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 176,8 MW; trong đó, dự án điện gió Cầu Đất (28,8 MW), dự án điện gió Đức Trọng (50MW) đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chủ dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

+ Điện mặt trời: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 dự án đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét, phê duyệt bổ sung Quy hoạch.

- Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CNN): Lâm Đồng hiện có 10 CCN với tổng diện tích quy hoạch sau khi điều chỉnh là 352 ha, diện tích đất công nghiệp là 258,97 ha, chiếm 73,57% tổng diện tích đất CCN, gồm các CCN: Gia Hiệp (H.Di Linh), Ka Đô (H.Đơn Dương); Lộc Phát (Tp.Bảo Lộc), Lộc Thắng (H.Bảo Lâm), Phát Chi (Tp.Đà Lạt), Đinh Văn (H.Lâm Hà), Tam Bố (H.Di Linh), Lộc An (H.Bảo Lâm), Đạ Rsal (H.Đam Rông), Đạ Oai (H.Đạ Huoai). Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thành lập 06 CCN gồm: CCN Gia Hiệp, CCN Ka Đô, CCN Lộc Phát, CCN Lộc Thắng, CCN Phát Chi và CCN Đinh Văn.

Bên cạnh mặt đạt được, còn có những hạn chế như: quy mô ngành công nghiệp nhỏ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là chế biến tinh và chế biến sâu các nông sản chủ lực, nông sản đặc trưng của tỉnh; khả năng cạnh tranh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho công nghiệp còn hạn chế; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu quỹ đất sạch để thu hút các dự án công nghiệp có tính đột phá; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp có quy mô nhỏ; chiếm nhiều quỹ đất nhưng đóng góp cho phát triển công nghiệp còn hạn chế; kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng tăng trưởng chậm lại. Trong nước phải đối mặt không ít khó khăn với việc biến đổi khí hậu, hạn hán đến sớm làm cho các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện dẫn đến sản lượng điện thấp, đặc biệt là ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất của các ngành kinh tế và đời sống nhân dân; nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng… kéo theo nhu cầu về lao động sụt giảm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp; tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước gặp khó khăn.

3. Một số định hướng giải pháp phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo các cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy quyền làm chủ nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp ủy Đảng và chính quyền về vai trò và nội dung chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho từng sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện việc rà soát, sắp xếp hệ thống quản lý công nghiệp từ tỉnh đến các huyện, thành phố đảm bảo tập trung, thông suốt, phân công, phân cấp rõ ràng, thống nhất triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp.

Hai là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng theo hướng cơ cấu lại ngành công nghiệp cho phù hợp với chủ trương, chính sách Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh; phát huy lợi thế cạnh tranh, các thế mạnh của tỉnh và từng vùng, từng địa phương; thúc đẩy dịch chuyển các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

- Phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu; phát triển công nghiệp sạch; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; nâng cao giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học kỹ thuật trong phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất tiên tiến, thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm thông minh.

Ba là, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, gắn với vùng nguyên liệu và có lợi thế cạnh tranh của tỉnh

- Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, vật liệu mới, công nghiệp hỗ trợ.

- Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến cà phê, trà, sữa, tơ tằm; thúc đẩy mở rộng quy mô các dự án sản xuất bia, sợi len lông cừu, sản xuất alumin; kêu gọi đầu tư sản xuất nhôm và các sản phẩm sau nhôm; phát triển hợp lý thủy điện, điện gió, điện mặt trời theo quy hoạch; phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn.

Bốn là, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi phát triển công nghiệp

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh, tạo điều kiện đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy nhanh kết nối liên thông giữa thuế và hải quan; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và kết nối một cửa ASEAN.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quá trình hội nhập quốc tế.

Năm là, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp

- Thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như điều kiện kinh doanh, các quy định về lao động, tiền lương, kê khai thuế, nộp thuế, về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phấm, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ.

- Tạo môi trường lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Sáu là, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp. Thực hiện tốt chính sách về phát triển khoa học công nghệ để phát triển công nghiệp

- Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Rà soát, đổi mới và năng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng làm chủ và tiếp cận các công nghệ mới; tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo.

- Xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

- Đổi mới căn bản, đồng bộ cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức và hoạt động khoa học - công nghệ; phương thức sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển; đổi mới việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ và mua kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật./.

Tài liệu tham khảo

1. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2006): số 12-NQ/TU về tập trung phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.

2. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2011): số 03 –NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

3. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2018): số 70 –CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 23 –NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc qia đến năm 2030, tâm nhìn đến 2045.

4. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2020): Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.

5. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2016): số 57- BC/TU về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03 –NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015.

6. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2016): số 06- BC/TU về tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

7. Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng: số 2579/BC-SCT ngày 20 tháng 12 năm 2021 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Công nghiệp – Thương nghiệp tháng 12, quý IV và cả năm 2021; xây dựng kế hoạch năm 2022.

 

Tin liên quan